Doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ vụ gây rối ở Bình Dương bây giờ ra sao?
Những hạn chế
Chiều 15/8, UBND tỉnh Bình Dương đã họp sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chính sách bồi thường bảo hiểm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại sau sự cố gây rối xảy ra vào giữa tháng 5/2014.
Nhiều DN chưa hài lòng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh Bình Dương
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế như trở ngại về ngôn ngữ, hạn chế khâu phiên dịch của nhân viên tại các doanh nghiệp nên nhiều chủ đầu tư người nước ngoài chưa hiểu hết chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước đối với từng đơn vị dẫn đến có một số doanh nghiệp chưa hài lòng. Công tác triển khai, hướng dẫn giải thích về các chính sách hỗ trợ chưa được sâu sát đến từng DN, khâu hướng dẫn và thực thi còn chậm.
Một trong nguyên nhân làm cho doanh nghiệp mất niềm tin là do phía các công ty bảo hiểm giải quyết bồi thường còn quá chậm, nhất là việc giải ngân số tiền tạm ứng đến này chưa hoàn thành như cam kết.
Vấn đề chi trả tiền bảo hiểm đang khiến nhiều DN bức xúc
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhìn nhận, sau 3 tháng thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy tồn tại lớn nhất hiện nay là các Công ty bảo hiểm thực hiện thẩm định thủ tục rườm rà và chậm, lãnh đạo tỉnh chia sẻ và đồng tình với doanh nghiệp về sự chậm trễ này. “Tỉnh sẽ làm việc với các Công ty bảo hiểm và có báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ có chủ trương để xử lý việc này nhanh hơn. Đồng thời chấn chỉnh ngay việc các ngành, địa phương làm chưa tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại trong việc khắc phục khó khăn phục hồi sản xuất-kinh doanh” – Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung khẳng định.
Hỗ trợ gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho DN
Các DN bị ảnh hưởng sau vụ gây rối sẽ được hỗ trợ từ gói tín dụng 1.000 tỷ đồng của tỉnh Bình Dương
Trước những khó khăn về việc khôi phục sản xuất sau vụ gây rối, tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ lãi suất đối với gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho các DN. Nguồn vốn này nhằm giúp doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất… gói tín dụng này sẽ được triển khai trong tháng 9 tới.
Theo đó, DN được vay 50% từ gói 1.000 tỷ cho tổng vốn đầu tư vào các hạng mục phục hồi, nâng cấp, mở rộng sản xuất. Với nguồn vốn vay từ gói tín dụng này, doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng thông tin việc hỗ trợ DN trên tất cả 11 lĩnh vực. Cụ thể, về chính sách thuế, tỉnh đã giải quyết hoàn thuế cho 143 doanh nghiệp với số tiền hơn 523 tỷ đồng; đang giải quyết miễn, giảm tiền thuê hạ tầng, tiền thuê đất năm 2014 bước đầu cho 594 doanh nghiệp thuộc diện được miễn, giảm với tổng số tiền trên 155 tỷ đồng. Ngành Thuế còn tạm dừng thanh kiểm tra về thuế đối với các doanh nghiệp nằm trong diện được hưởng chính sách.
Ngành Hải quan cũng thực hiện các chính sách miễn thuế nhập khẩu, không xử phạt vi phạm hành chính; hoàn thuế nhất là miễn thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu và máy móc thiết bị nhập tạo tài sản cố định…với gần 600 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cấp lại 26.000 sổ mới cho người lao động bị cháy và mất sổ.
Về an ninh trật tự tỉnh đã tăng cường, giữ gìn tại các khu công nghiệp hoạt động an toàn bình thường; trong đó đã xử lý, trả lại tài sản cho doanh nghiệp bị các đối tượng xấu trộm cắp trên 33 tỷ đồng. Đến nay Bình Dương cũng đã đưa ra xét xử 19 vụ, với 28 bị cáo đã có những hành động quá khích đập phá, lấy trộm máy móc, đồ đạt của các doanh nghiệp.
Trung Kiên
Xem thêm :bình dương, thiệt hại, doanh nghiệp, bồi thường, chủ tịch, hạn chế, công ty bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp, báo cáo, công tác, tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại
Doanh nghiệp – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
Bài Liên Quan:
Lãi suất cho vay khó hạ thêm Hơn 710.000 tấn đường tồn kho Hàng trăm dự án bất động sản trước giờ bị thu hồi Ocean Group có thể hủy phát hành 980 tỷ đồng trái phiếu