Mối đe dọa chờn vờn
Ngay sau khi đoàn công tác liên ngành phát hiện sai phạm hôm 27-7, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy chiếc máy xét nghiệm hiệu Hitachi 717 này vì không có chứng từ nguồn gốc, thuộc dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu trái phép vào Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa Thường Tín còn bị phạt 30 triệu đồng.
Giải thích về chiếc máy này, phía bệnh viện cho rằng họ chỉ mượn của một công ty bên ngoài do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, không sử dụng được. Chắc không ai còn lạ gì hiện tượng các doanh nghiệp có thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán “chìa ra” cho các cơ sở y tế để rồi sau đó cùng chia chác lợi nhuận.
Chiều 28-7, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình mua sắm, sử dụng thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và gửi báo cáo về bộ trước ngày 28-8.
Ngoài các chuyên gia, không phải ai cũng hiểu rõ người bệnh sẽ phải chịu hậu quả nặng nề như thế nào nếu được xét nghiệm bằng những thiết bị kém chất lượng và không bảo đảm tiêu chuẩn. Thông thường, máy móc cũ kỹ sẽ cho kết quả xét nghiệm không chính xác, nghĩa là nhẹ hơn hoặc nặng hơn nhiều so với tình trạng sức khỏe của người bệnh, thậm chí biến có thành không hoặc không thành có.
Thật ra, theo các chuyên gia, để chẩn đoán một bệnh nào đó, ngoài việc dựa vào xét nghiệm còn phải khám lâm sàng, chẩn đoán cận lâm sàng như chụp X-quang, CT , MRI, siêu âm… Tuy nhiên, có những bệnh mà kết quả xét nghiệm đóng vai trò chính để quyết định cho việc chẩn đoán và điều trị.
Những sai sót trong quá trình xét nghiệm sẽ khiến bác sĩ chẩn đoán sai bệnh. Từ chẩn đoán sai đến điều trị sai, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Thử lấy vài ví dụ: Ở người bệnh dễ chảy máu, nếu kết quả xét nghiệm không phản ánh đúng tình trạng này thì trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật, bệnh nhân không cầm được máu, dẫn tới tử vong. Một số xét nghiệm chuyên biệt hơn như giải phẫu bệnh cho biết tình trạng viêm hay u, nếu là u thì lành hay ác. Sẽ cực kỳ tai hại nếu thiết bị xét nghiệm cho kết quả không chính xác. Và, có câu chuyện nào trớ trêu hơn khi một người đã vội tự sát vì nhận kết quả “HIV dương tính” từ một máy xét nghiệm được xác định sau đó là hoàn toàn sai lệch?
Không chỉ có thiết bị xét nghiệm trôi nổi mà thiết bị chẩn đoán không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chắc chắn cũng trôi dạt ở nhiều nơi. Rất cần những đoàn thanh tra, kiểm tra ra tay quyết liệt với tinh thần công minh, chính trực, đẩy lùi những mối đe dọa đang chờn vờn quanh người bệnh.
NLĐO – Tin mới nhất – RSS Feed
Bài Liên Quan:
Cách phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt Những dấu mốc trong đại án “bầu” Kiên 10 cái Tết sau song sắt của trùm “siêu” lừa đảo đất Hà thành ‘Cha đẻ’ phá sản, InterContinental đổi chủ có đổi vận?