Nhiều người chết sau bão
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau bão Thần Sấm, mưa lớn đã xảy ra ở nhiều địa phương phía Bắc trong 2 ngày 18 và 19-7.
Lạng Sơn: Nhiều nơi chìm trong nước
Tại Lạng Sơn, mưa to và rất to đã xảy ra ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định và TP Lạng Sơn. Lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 19-7 đến 13 giờ ngày 20-7 tại TP Lạng Sơn là 209 mm, Đình Lập 237 mm, Mẫu Sơn 519 mm, Hữu Lũng 132 mm, Thất Khê 155 mm, Bắc Sơn 231 mm. Nhiều khu vực trong TP Lạng Sơn đã chìm trong nước.
Mưa lũ gây ngập tận nóc nhà nhiều hộ dân ở trung tâm TP Lạng Sơn
Mưa lớn khiến nước sông Kỳ Cùng dâng rất nhanh, lúc 13 giờ ngày 20-7 trên báo động 3: 0,89 m. Nước sông Kỳ Cùng tràn vào đã gây ra trận lụt kinh hoàng tại TP Lạng Sơn, nhiều nơi nước ngập tận mái nhà; các chợ Đông Kinh, Giếng Vuông phải dừng hoạt động. Đã có 3 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ, hàng trăm căn nhà ngập sâu trong nước, giao thông nhiều nơi trong TP Lạng Sơn bị tê liệt.
Nạn nhân trong vụ mưa lũ đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai Ảnh: Trường Bá Hổ
Anh Trường Bá Hổ (khu vực Cầu Đen, khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) cho biết từ đêm 19 đến rạng sáng 20-7, tại đây mưa rất to. Sáng thức dậy đã thấy nước ngập tràn xung quanh, nhiều tuyến đường trong nội ô chìm trong biển nước. Theo anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn), điện đã cắt từ tối 19-7 do mưa to, gió lớn. Sáng 20-7, cả gia đình anh phải thu dọn đồ đạc lên tầng 2 bởi tầng trệt nước đã ngập đến đầu gối. Bà Phùng Bích Diệp (phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) cho rằng: “Đây là trận lụt kinh hoàng mà người dân địa phương từng chứng kiến. Trước đây, chỉ có 2 trận lụt lớn như vậy xảy ra vào năm 1986 và 2008”.
Qua báo cáo nhanh từ các địa phương trong tỉnh, ngoài số người chết và mất tích, hơn 6.000 căn nhà ngập sâu trong nước (hư hỏng nặng và hư hỏng hoàn toàn khoảng 200 căn), trên 2.000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi. Nhiều đoạn thuộc Quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tỉnh lộ bị chia cắt do bị ngập sâu và sạt lở đất.
Cuối giờ chiều 20-7, ông Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết để bảo đảm tính mạng cho người dân, tỉnh đã huy động hơn 8.000 người cùng nhiều phương tiện để ứng phó với ngập lụt và sạt lở đất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã dời hơn 5.000 hộ dân ở TP Lạng Sơn và các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình đến nơi an toàn. Trong tỉnh có hơn 40 điểm sạt lở. Ước tính, thiệt hại do mưa lũ khoảng 30 tỉ đồng. “Mức thiệt hại sẽ còn tăng cao khi nước rút” – ông Thành nhận định.
Sơn La, Lào Cai: 4 người thiệt mạng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Cứu nạn tỉnh Sơn La, sáng 20-7, đã xảy ra lũ quét làm bà Bạc Thị Mậu (SN 1945, dân tộc Thái, huyện Thuận Châu) thiệt mạng.
Trước đó, mưa lớn và lũ tràn về gây sạt lở đất ở nhiều tuyến giao thông quan trọng trong tỉnh. Lũ cuốn trôi 3 cầu treo dân sinh ở các huyện Phù Yên, Thuận Châu và Bắc Sơn. Mưa lũ còn gây ngập và sạt lở đất nhiều điểm trên các quốc lộ 43, 6B, 279 và tỉnh lộ 106, 112. Ngoài ra, gần 200 ha lúa, hoa màu của người dân bị nước cuốn trôi, 500 m kênh mương bị hư hại. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Cứu nạn tỉnh, giao thông ở đây phải mất vài ngày nữa mới trở lại bình thường. Ước thiệt hại do bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 30 tỉ đồng.
Tại tỉnh Lào Cai, đã có 3 cháu nhỏ chết do bị sét đánh khi đang chăn trâu vào trưa 19-7 tại thôn Bản Bon, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Đến chiều 20-7, tỉnh Lào Cai vẫn chưa thể thống kê thiệt hại do bão Thần Sấm gây ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại tỉnh Lai Châu, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Do địa hình dốc, mưa to đã gây sạt lở đất đá nhiều nơi. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Cứu nạn tỉnh, đã có 1 người chết và 1 người mất tích. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã ách tắc giao thông do sạt lở đất.
Đến chiều 20-7, tại Cao Bằng đã có 1 người chết do mưa lũ.
Hàng chục ngàn hộ bị mất điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 16 giờ ngày 20-7, số khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 2 thuộc Công ty Điện lực Quảng Ninh là 6.465 hộ, Công ty Điện lực Bắc Giang khoảng 8.500 hộ, Công ty Điện lực Lạng Sơn 12.500 hộ, Công ty Điện lực Bắc Kạn 2.950 hộ, Công ty Điện lực Hà Giang 543, Công ty Điện lực Điện Biên 7.506.
EVN cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tập trung lực lượng và phương tiện khắc phục các sự cố lưới điện do mưa bão gây ra, khôi phục và cấp điện trở lại cho khách hàng trong ngày 20-7, đồng thời bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.
Trước đó, ngày 19-7, các trạm quan trắc địa chấn lắp đặt tại công trình thủy điện Sơn La xác định có 3 trận rung động lần lượt vào lúc 19 giờ 15 phút, 20 giờ 23 phút và 21 giờ 42 phút. Khu vực xảy ra rung động thuộc xã Hua Trai trên Tỉnh lộ 106 và không thuộc phạm vi hồ chứa thủy điện. Hiện các thông số đã được gửi đến Viện Vật lý địa cầu để đánh giá. Công ty Thủy điện Sơn La đã kiểm tra toàn bộ công trình và không phát hiện sự cố bất thường, nhà máy và đập vẫn vận hành bình thường.
Nhiều nơi có nguy cơ lũ quét
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mực nước sông Kỳ Cùng đã đạt đỉnh lúc 13 giờ ngày 20-7 là 257,39 m, trên báo động 3: 0,89 m và đang xuống chậm. Mực nước các sông Đà, Lô, Thao, Cầu, Thương, Lục Nam tiếp tục lên nhanh; trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng đạt đỉnh 6,1 m (dưới báo động 3: 0,2 m) lúc 2 giờ ngày 21-7, sau đó biến đổi chậm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo: Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao: Tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, TP Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê; tỉnh Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Yên Bái gồm các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, TP Yên Bái; tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường; tỉnh Điện Biên gồm các huyện Mường Lay, Mường Chà.
Bão Henry lại đe dọa Philippines
Philippines hôm 20-7 đối mặt mối đe dọa từ cơn bão mới có tên gọi quốc tế là Henry (tên địa phương là Matmo) 2 ngày sau khi bị bão Rammasun tàn phá.
Cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết bão Henry với sức gió lên đến 150 km/giờ đang mạnh lên khi di chuyển về phía đảo Luzon. Dù được dự báo là không đổ bộ vào Philippines nhưng theo trang tin Inquirer.net, bão Henry vẫn có thể gây mưa lớn tại các vùng vừa bị bão Rammasun tàn phá, trong đó có Bicol và quần đảo Visayas. Nhà chức trách đã cảnh báo người dân về nguy cơ lũ quét và lở đất tại những vùng có thể bị ảnh hưởng bởi bão Henry.
Trước đó, bão Rammasun đã khiến ít nhất 94 người thiệt mạng và 6 người mất tích ở Philippines. Ngoài ra, hàng trăm ngàn hộ dân ở Manila vẫn sống trong cảnh mất điện. Không chỉ tàn phá Philippines, bão Rammasun còn làm ít nhất 17 người thiệt mạng và 2 người mất tích tại Trung Quốc. Rammasun được xem là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào nước này kể từ năm 1973. Phương Võ
NLĐO – Tin mới nhất – RSS Feed
Bài Liên Quan:
Chuyện dùng lưới bắt… xe! Bộ GTVT báo thành tích, đội vốn, hối lộ xử thế nào? Bộ trưởng Thăng:Bàn tham nhũng ở đâu, làm sao lãnh đạo biết? Báo Mỹ ca ngợi “rồng phun lửa” ở Đà Nẵng